Thứ Tư, 22/01/2025 15:13 (GMT +7)

Tăng cường chi viện để Đà Nẵng ứng phó tốt hơn trong phòng, chống dịch COVID-19

Thứ 6, 31/07/2020 | 09:40:00 [GMT +7] A  A

Chiều 30/7, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Y tế đã dành thời gian trả lời phóng viên một số cơ quan báo chí về tình hình hỗ trợ Đà Nẵng trong việc phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long khẳng định: Bộ Y tế đang tập trung tối đa lực lượng tinh nhuệ nhất để khoanh vùng, dập dịch ở Đà Nẵng. Ngoài các lực lượng đang ở Đà Nẵng, Bộ tiếp tục cử các chuyên gia ở các bệnh viện đầu ngành đến ”chi viện”; thành lập Đội thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 tại đây.

Cảnh sát giao thông Đà Nẵng kiểm tra an toàn giao thông và thực hiện các quy định về phòng chống dịch của xe khách trên tuyến đường tránh Nam Hải Vân (Đà Nẵng). Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Tập trung tối đa lực lượng tinh nhuệ để hỗ trợ

Nhận định về tình hình dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Hiện, tình hình tương đối phức tạp, các ổ dịch lớn nhất tập trung ở 3 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng.

Ngay khi các ca mắc COVID-19 đầu tiên xuất hiện tại Đà Nẵng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã cử 3 đoàn công tác, gồm các chuyên gia đầu ngành, có tay nghề giỏi, giàu kinh nghiệm vào hỗ trợ. Cụ thể, Đội điều trị do Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm đội trưởng, cùng 7 thành viên khác, trong đó có 3 bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) là những người trực tiếp điều trị thành công cho bệnh nhân 91 – nam phi công người Anh.

Đội xét nghiệm do Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm đội trưởng, cùng 4 thành viên khác của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Đây là nhóm chuyên gia đã từng nuôi cấy, phân lập được virus SARS-CoV-2; hỗ trợ cho nhiều địa phương trong việc triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2. Nhóm chuyên gia này vào để hỗ trợ việc xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng các bộ kit xét nghiệm do Việt Nam sản xuất.

Đội điều tra giám sát dịch do Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương làm đội trưởng, cùng 6 thành viên khác. Đây là những người đã từng tham gia hỗ trợ kỹ thuật tại các ổ dịch Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Hạ Lôi (Hà Nội), Bình Thuận và một số nơi khác.

Hằng ngày, các đội công tác này báo cáo, trao đổi, hội chẩn về chuyên môn, đặc biệt là trong công tác điều trị bệnh nhân nặng với lãnh đạo Bộ Y tế, nhằm nỗ lực tốt nhất giúp Đà Nẵng nhanh chóng cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Ngay sau đó, Bộ Y tế đã cử thêm một đội công tác tinh nhuệ do Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai vào hỗ trợ Đà Nẵng. Hiện, có khoảng 30 y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) là các chuyên gia có kinh nghiệm đang giúp Đà Nẵng về hồi sức, phòng chống nhiễm khuẩn, thận nhân tạo, điều trị, giám sát, xét nghiệm.

Viện Pauster Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đưa lực lượng đến Đà Nẵng thiết lập phòng xét nghiệm. Bệnh viện của Bộ Công an lập labo xét nghiệm. Bộ Quốc phòng hỗ trợ Đà Nẵng bằng việc đưa labo xét nghiệm di động đến. Năng lực xét nghiệm của Đà Nẵng đã được nâng lên rất nhiều. Hiện, năng lực xét nghiệm tại thành phố đã lên hơn 7.000 mẫu xét nghiệm/ngày với tinh thần thực hiện nhanh nhất việc xét nghiệm trên diện rộng cho Đà Nẵng.

Đồng thời, Bộ Y tế điều tới Đà Nẵng 10 máy thở; hỗ trợ thêm khẩu trang N95 cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố và Bệnh viện Trung ương Huế. Trước đó, các máy thở, máy ECMO cũng đã được các Bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy mang đến Đà Nẵng để kịp thời chi viện nguồn lực, vật tư thiết bị chống dịch.

Sắp xếp, phân luồng giúp Đà Nẵng ứng phó kịp thời

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin thêm: Ngày 30/7, Bộ Y tế đã quyết định tăng cường chi viện nhân lực tới Đà Nẵng để giúp thành phố ứng phó tốt hơn với dịch COVID-19. Thành phần chi viện bao gồm các chuyên gia từ các Cục: Y tế Dự phòng, Quản lý Môi trường Y tế, phòng, chống HIV/AIDS; Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Các chuyên gia này sẽ phối hợp với 3 tổ công tác đặc biệt về giám sát dịch, xét nghiệm và điều trị đã đến Đà Nẵng trước đó. Toàn bộ lực lượng trên được đặt dưới sự chỉ đạo của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Bộ cũng đã ban hành văn bản quy định các trường hợp từ Đà Nẵng về và có biểu hiện bệnh đến cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm để xét nghiệm sàng lọc COVID-19 sẽ được bảo hiểm y tế chi trả.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn huy động hàng trăm sinh viên của Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng và Đại học Y Dược Huế tham gia thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch tại Đà Nẵng.

Cùng với hỗ trợ về nhân lực, trang thiết bị, xét nghiệm, Bộ Y tế đã triển khai việc phân luồng chuyển bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng, có bệnh lý nền từ Bệnh viện Đà Nẵng ra điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế nhằm “chia lửa” cho Đà Nẵng,

Theo đó, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ sắp xếp, phân luồng bệnh nhân tại cơ sở 2 về cơ sở 1, dành cơ sở 2 để tập trung hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Hiện đã có một số bệnh nhân nặng, kèm bệnh lý nền như ung thư, tim mạch, suy thận mạn tính… đã được chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huế điều trị.

P.V (TTXVN)
https://baotintuc.vn/thoi-su/tang-cuong-chi-vien-de-da-nang-ung-pho-tot-hon-trong-phong-chong-dich-covid19-20200730225133354.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu