Thứ Tư, 22/01/2025 15:08 (GMT +7)

Tăng cường phân tích dữ liệu và truy vết theo dấu dịch tễ phòng, chống dịch COVID-19

Thứ 6, 31/07/2020 | 09:35:00 [GMT +7] A  A

Ngày 30/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã làm việc với Nhóm các nhà khoa học, chuyên gia, tình nguyện viên phân tích dữ liệu và truy vết theo dấu dịch tễ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bệnh nhân nghi nhiễm dịch COVID-19 được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị, theo dõi sáng 26/7. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thế Trung, Phó trưởng Nhóm các nhà khoa học, chuyên gia, tình nguyện viên phân tích dữ liệu và truy vết theo dấu dịch tễ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, kết quả phân tích dữ liệu cho thấy chưa phát hiện khả năng có ổ dịch khác ngoài Đà Nẵng.

Ổ dịch tại khu vực 3 bệnh viện ở thành phố Đà Nẵng (Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Đà Nẵng) tương đối giống ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai trước đó. Do đó, chuyên gia dự báo, số người nhiễm bệnh, số ca bệnh nặng ổ dịch ở Đà Nẵng sẽ cao hơn Bệnh viện Bạch Mai. Việc giải tỏa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai thực hiện nhanh hơn.

Để tăng cường năng lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, các nhà khoa học, chuyên gia, tình nguyện viên đã tích cực “trực chiến” ngay cả khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát. Sau khi xuất hiện ca nghi nhiễm tại Đà Nẵng vào ngày 23/7, các nhà khoa học đã huy động thêm các tình nguyện viên phân tích dữ liệu và truy vết theo dấu dịch tễ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Các chuyên gia đã phân tích dữ liệu, kết nối trực tuyến với các lực lượng Bộ Y tế tăng cường vào Đà Nẵng để đưa ra các nhận định, dự báo; đồng thời phân tích dữ liệu xét nghiệm người có triệu chứng tại cơ sở y tế của các địa phương.

Các nhà khoa học, các chuyên gia nhận định, khả năng cao nguồn bệnh xuất hiện ban đầu từ Đà Nẵng. Nếu dịch bệnh xuất hiện từ Đà Nẵng, các địa phương khác cần tập trung quản lý chặt chẽ, theo dõi sức khỏe những người trở về từ địa phương này. Ngược lại, nếu dịch bệnh xuất hiện đồng thời ở nhiều địa phương khác trên cả nước, các nhà khoa học đề xuất cần triển khai mạnh mẽ giải pháp phòng, chống dịch trên quy mô rộng hơn, thậm chí trên toàn quốc.

Cũng theo phân tích tình hình dịch bệnh hiện nay của các chuyên gia, dù xuất hiện một số ca ngoài cộng đồng nhưng cần tập trung chính vào ổ dịch tại cụm 3 bệnh viện ở Đà Nẵng, đặc biệt tại một số khoa trong các bệnh viện này. Nhóm chuyên gia dự báo, trong nhũng ngày tới có thể liên tục phát hiện hàng chục ca nhiễm mỗi ngày, chủ yếu liên quan tới “ổ dịch” này.

Trao đổi ý kiến tại buổi làm việc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cho biết, tình hình diễn biến dịch bệnh ở Đà Nẵng diễn ra khá trùng với các dự báo. Kết quả xét nghiệm và điều tra dịch tễ cho thấy nhiều khả năng đầu tháng 7/2020 dịch mới phát ra ở Đà Nẵng do kết quả xét nghiệm ca có triệu chứng nghi ngờ nhưng chưa đến Đà Nẵng đến nay đều âm tính.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực cũng như ý kiến phân tích của Nhóm các nhà khoa học, chuyên gia, tình nguyện viên phân tích dữ liệu và truy vết theo dấu dịch tễ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Đóng góp của nhóm không chỉ giúp truy vết mà còn phân tích dữ liệu để đưa ra nhận định, khuyến nghị cần thiết, quan trọng”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc chủ động tính đến tình huống xấu hơn, thậm chí tình huống xấu nhất để những tình huống đó không xảy ra; đồng thời triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trên tinh thần không chủ quan, luôn sẵn sàng trước diễn biến tình hình dịch bệnh.

PV (TTXVN)
https://baotintuc.vn/thoi-su/tang-cuong-phan-tich-du-lieu-va-truy-vet-theo-dau-dich-te-phong-chong-dich-covid19-20200730223025465.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu