Thứ Sáu, 24/01/2025 00:27 (GMT +7)

Tạo cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng

Thứ 4, 06/09/2017 | 15:22:00 [GMT +7] A  A

Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ bảy, sáng 6/9, Ủy ban Tư pháp tiếp tục thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 và Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Chỉ rõ cá nhân, đơn vị yếu kém trong công tác phòng chống tham nhũng

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá, năm 2017, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống tham nhũng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa có những giải pháp mang tính đột phá; thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở; việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật nói riêng còn chưa nghiêm.

Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua. Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, trong thời gian qua chỉ có 25 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong khi có tới 145 vụ/328 bị cáo bị Tòa án nhân dân các cấp xét xử sơ thẩm.

Phiên họp toàn thể lần thứ bảy của Ủy ban Tư pháp. Ảnh: quochoi.vn

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thái Học nhận định, nội dung báo cáo của Chính phủ chưa bắt nhịp được với tinh thần của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của người dân về phòng chống tham nhũng.

“Báo cáo nói là có một bộ phận cán bộ, công chức nhũng nhiễu, vậy bộ phận ấy ở đâu, ở tỉnh, thành nào và xử lý ra sao? Báo cáo cũng nêu hiệu quả hoạt động của một số cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng còn chưa đáp ứng yêu cầu, vậy cụ thể là cơ quan nào? Năm nào cũng đưa ra những nhận định chung chung như vậy thì không sai, nhưng chẳng có tác dụng gì”, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thái Học nêu quan điểm.

Nhấn mạnh con số 25 người đứng đầu bị xử lý do để xảy ra hành vi tham nhũng là quá ít, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Vũ Trọng Kim cho rằng, đó là do tình trạng né tránh, khâu tổ chức thực hiện còn kém. Từ thực tế này, các đại biểu đề nghị Chính phủ nêu rõ địa chỉ cụ thể của những tồn tại, hạn chế về phòng chống tham nhũng trong ngành, lĩnh vực nào; địa phương nào và trách nhiệm thuộc về cá nhân nào, giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này; đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng cá thể hóa trách nhiệm công vụ, đi đôi với chính sách phù hợp, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, có cơ chế hữu hiệu để loại khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất.

Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng là báo cáo khó, mang tầm quốc gia và được dư luận, cử tri rất quan tâm. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu, hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội theo hướng đưa ra các đánh giá, nhận định thật sự thuyết phục, có dẫn chứng và số liệu cụ thể.

Tạo cơ sở pháp lý ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng

Tại phiên họp sáng 6/9, Ủy ban Tư pháp đã thẩm tra Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh trình bày nêu rõ, sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu. Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít; một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh khẳng định, việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết nhằm tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng; đồng bộ với quy định mới trong các đạo luật quan trọng khác được Quốc hội thông qua, nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tiếp tục xác định nhiệm vụ chính là tạo ra một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch, “không thể tham nhũng”; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng. Dự án Luật gồm 11 chương, 131 điều.

Trình bày Báo cáo ý kiến của nhóm nghiên cứu về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, nhóm nghiên cứu tán thành với các quan điểm chỉ đạo, định hướng xây dựng dự án Luật đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ cần bổ sung quan điểm sửa đổi phải bảo đảm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật trên cơ sở căn cứ vào kết quả tổng kết thi hành Luật, đồng thời kế thừa những quy định của Luật hiện hành đã được thực tế chứng minh là phù hợp.

Theo đó, cần phân tích, đánh giá chính xác những hạn chế, yếu kém nào trong công tác phòng chống tham nhũng là do bất cập trong các quy định của luật; những hạn chế nào là do khâu tổ chức thực hiện để từ đó có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tránh việc sửa đổi, bổ sung tràn lan, không cần thiết. Ngoài ra, Luật Phòng, chống tham nhũng có phạm vi điều chỉnh về công tác phòng chống tham nhũng trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, do đó có mối quan hệ mật thiết với nhiều đạo luật khác như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Cán bộ, công chức, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí…

Nhiều quy định trong dự án Luật còn trùng lắp, chồng chéo, mâu thuẫn với các Luật hoặc dự thảo Luật đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua. Vì thế, nhóm nghiên cứu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Trường hợp thấy cần thiết phải sửa đổi các luật có liên quan thì cần thực hiện theo đúng quy định tại Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phan Phương (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu