Thứ Năm, 23/01/2025 10:18 (GMT +7)

Thông cáo báo chí số 12, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Thứ 4, 10/06/2020 | 10:18:00 [GMT +7] A  A

Thứ Ba, ngày 9/6/2020, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 2, Đợt 2 theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Tiếp đó, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Cũng trong buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở Tổ về nội dung sau:

1. Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội: Đa số ý kiến đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, góp phần tăng nguồn lực, quyền chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách để thực hiện cao nhất các mục tiêu, phương hướng phát triển Thủ đô trong điều kiện mới. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến về vấn đề cụ thể sau:

i) Về quản lý thu ngân sách nhà nước, gồm: thẩm quyền quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí; việc cho phép HĐND Thành phố Hà Nội chủ động quyết định dự toán, phân bổ ngân sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; việc cho phép Thành phố Hà Nội được hưởng (giữ lại) toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp…

ii) Về quản lý chi ngân sách nhà nước, gồm: việc cho phép HĐND Thành phố Hà Nội xem xét, quyết định thực hiện cơ chế sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư; việc sử dụng ngân sách Thành phố Hà Nội để hỗ trợ các địa phương, các huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội…

2. Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020: Các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến về: 03 dự án thành phần được chuyển sang hình thức đầu tư công cần phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công; về các dự án thành phần được chuyển đổi; về vốn đầu tư công bổ sung cho việc điều chỉnh; về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư; về trình tự, thủ tục, hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư; về kiểm soát tiến độ thực hiện dự án… Đề nghị Chính phủ có các giải pháp bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng cho các nhà đầu tư đối với các dự án thành phần được phép chuyển đổi.

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ để Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021. Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết. Sau đó, Quốc hội biểu quyết, thông qua Nghị quyết với kết quả: có 442 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 91,51%); trong đó, có 440 đại biểu tán thành (bằng 91,10% đại biểu có mặt biểu quyết), có 01 đại biểu không tán thành (bằng 0,21%), có 01 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21%).

Cũng trong buổi chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, dự thảo Luật đã được Quốc hội thảo luận trực tuyến vào sáng ngày 26/5/2020. Đây là dự án Luật quan trọng, được cử tri và nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Tuy nhiên, do số lượng đại biểu đăng ký phát biểu nhiều nên Đoàn Chủ tọa đã đề nghị Quốc hội tiếp tục dành thời gian để các vị đại biểu Quốc hội trao đổi, thảo luận kỹ hơn, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao trước khi trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật. Tại phiên thảo luận đã có 16 đại biểu phát biểu ý kiến và 03 đại biểu tranh luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, các vị đại biểu cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và nhiều nội dung của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về một số nội dung cụ thể như sau:

– Về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội: các đại biểu Quốc hội đồng ý nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội. Về tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội, một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội; tiêu chuẩn riêng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành đã thể hiện đầy đủ các năng lực, phẩm chất của đại biểu Quốc hội, cụ thể hóa quyền ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Hiến pháp quy định để áp dụng chung cho cả đại biểu Quốc hội là người do các cơ quan, tổ chức, do Đảng giới thiệu và đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng, người tự ứng cử. Do đó, đề nghị cho giữ các nội dung này và không bổ sung các tiêu chuẩn trong Đảng làm tiêu chuẩn chung cho các đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để cụ thể hóa trong Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV cũng như trong các quy định về tiêu chuẩn cán bộ, đánh giá cán bộ phù hợp với từng nhóm đối tượng (đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, đại biểu Quốc hội tái cử…) nhằm tạo điều kiện cho cử tri lựa chọn, bầu ra được những đại biểu thực sự xứng đáng làm người đại diện cho mình tại Quốc hội.

– Về Đoàn đại biểu Quốc hội và bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội: Về Đoàn đại biểu Quốc hội, cần xác định Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức để các đại biểu Quốc hội được bầu cử ở một đơn vị tỉnh, thành phố hoặc chuyển đến đơn vị tỉnh, thành phố, giúp duy trì mối quan hệ gắn kết giữa Quốc hội với địa phương để tổ chức cho các đại biểu Quốc hội thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ do luật định như: giám sát, tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến của Nhân dân… Do còn ý kiến khác nhau về địa vị pháp lý và vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội nên đề nghị giữ các quy định về địa vị pháp lý như Luật hiện hành. Về Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, hiện Chính phủ đã có Báo cáo số 232/BC-CP ngày 18/5/2020 tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo Báo cáo tổng kết, “đa số địa phương triển khai thực hiện thí điểm kiến nghị chỉ nên thực hiện hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng HĐND cấp tỉnh và giữ nguyên Văn phòng UBND cấp tỉnh”. Vấn đề này giao cho Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện hơn để báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Trong lần sửa đổi này, nếu cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến sớm thì quy định ngay vào luật. Nếu không, cho phép thể hiện như trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

– Về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội: Về tên gọi, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi tên gọi của 02 Ủy ban: Ủy ban Về các vấn đề xã hội thành Ủy ban Xã hội; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Về điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của 02 Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính – Ngân sách, đề nghị cho giữ như luật hiện hành. Về trách nhiệm thẩm tra tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật không phải là trách nhiệm của riêng Ủy ban Pháp luật mà là trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Ủy ban Pháp luật là cơ quan chịu trách nhiệm chính về vấn đề này đối với Quốc hội.

– Về việc chuyển các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội: Qua thảo luận, ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề này còn khác nhau, chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục giữ Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội như hiện nay.

– Về một số vấn đề khác như số lượng kỳ họp; quy định về đại biểu Quốc hội chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; vấn đề liên quan đến điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Các đại biểu tập trung cho ý kiến về: Việc thay thế phương thức quản lý dân cư thông qua Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú bằng phương thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú; về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý cư trú; về điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc trung ương; về việc bổ sung trường hợp xóa đăng ký thường trú…

TTXVN/Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/thoi-su/thong-cao-bao-chi-so-12-ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xiv-20200609204811507.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu