Chủ Nhật, 19/01/2025 22:16 (GMT +7)

Thủ tướng: Cần nhận diện xu hướng mới về việc làm của công nhân

Thứ 5, 24/12/2020 | 12:56:00 [GMT +7] A  A
VOV.VN – Thủ tướng nêu rõ, vấn đề đời sống, việc làm và phong trào của giai cấp công nhân rất quan trọng trong hoạt động của hệ thống chính trị nước ta.

Sáng 24/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc giữa Chính phủ và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, đánh giá kết quả thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa hai cơ quan giai đoạn 2016-2020.

Trong nhiệm kỳ này, đây là lần thứ 5 Thủ tướng làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn để giải quyết các kiến nghị, xử lý các vấn đề đặt ra trong công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tập trung vào việc đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống và điều kiện làm việc cho công nhân lao động.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng nêu rõ, vấn đề đời sống, việc làm và phong trào của giai cấp công nhân rất quan trọng trong hoạt động của hệ thống chính trị nước ta, đặc biệt là của giai cấp công nhân. Do đó tại buổi làm việc này, cùng với đánh giá kết quả đạt được trong công tác phối hợp giai đoạn 5 năm qua, Thủ tướng cho rằng, cần rút ra các bài học kinh nghiệm, nhận diện những bất cập, những xu hướng mới về việc làm của giai cấp công nhân, từ đó đưa ra các giải pháp, phương hướng về giải quyết việc làm bền vững, nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân lao động.

Gửi lời thăm hỏi thân thiết đến những người lao động, giai cấp công nhân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc, Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước khó khăn năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân đã nỗ lực vượt khó khăn, đóng góp quan trọng cho đất nước đạt nhiều kết quả tích cực.

Trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng cũng đã 5 lần gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động thuộc các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, trong đó, tập trung vào nội dung bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, qua các lần làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn, gặp gỡ công nhân lao động cả nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ nhiều vấn đề sát với đời sống và việc làm của công nhân lao động.

Cụ thể là về việc làm, tiền lương, thu nhập, điều kiện làm việc, nhà ở, nhà trẻ, trường học, các thiết chế phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động, vấn đề an ninh, an toàn nơi làm việc và nơi ở, việc đóng bảo hiểm xã hội, vấn đề an toàn vệ sinh lao động, bữa ăn ca, học tập nâng cao tay nghề, bảo đảm việc làm bền vững, chăm sóc sức khỏe công nhân lao động nhất là công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Sau 5 năm, số công nhân lao động có việc làm tăng 26%, trong đó số có việc làm bền vững, thu nhập cao tăng đều các năm. Mức sống của công nhân có tiến bộ, mức lương tối thiểu vùng tăng 1,3 lần, thu nhập bình quân tăng 35% góp phần cải thiện đời sống cho công nhân lao động.

Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, Quý IV năm 2020, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (lương cơ bản) của công nhân lao động là 5,22 triệu đồng/tháng. Tính cả tiền lương làm thêm giờ, tiền thưởng, chuyên cần, thì tổng thu nhập thực tế của một lao động là khoảng 7,4 triệu đồng/tháng.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã kiến nghị Chính phủ, Quốc hội các vấn đề lớn về tiền lương, việc làm, nhất là với lao động nữ trên 35 tuổi, mức lương hưu tối thiểu với giáo viên, việc tuyển dụng giáo viên đã có hợp đồng lâu năm.

Sau 5 năm, số công nhân lao động có việc làm tăng 26%

Cũng từ các cuộc gặp gỡ, làm việc, đối thoại với công nhân lao động của Thủ tướng, 5 năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và đưa ra chính sách kịp thời về nhà ở, điều kiện làm việc của công nhân lao động. Đặc biệt, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 655 năm 2017 về phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công nhân tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất”. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai thí điểm 1 dự án thiết chế công đoàn tại tỉnh Hà Nam và qua thực hiện gặp một số vướng mắc, Tổng Liên đoàn đã kiến nghị Thủ tướng sửa đổi, bổ sung Quyết định 655 bằng Quyết định 1729 năm 2020.

Với sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, chính quyền các cấp và doanh nghiệp, 5 năm qua, có gần 22 triệu lượt đoàn viên, người lao động được hỗ trợ trong dịp Tết Nguyên đán với tổng số tiền ước trên 11.600 tỷ đồng. Hỗ trợ xây mới và sửa chữa trên 13.800 nhà Mái ấm công đoàn.

Triển khai các gói hỗ trợ của Nhà nước trong bối cảnh COVID-19, công đoàn các cấp đã phối hợp với các cơ quan chức năng tư vấn, hỗ trợ cho gần 160 nghìn công nhân, lao động được hưởng các gói an sinh của Nhà nước và doanh nghiệp với số tiền 213 tỉ đồng; thăm hỏi, tặng quà cho hơn 900 nghìn công nhân lao động gặp khó khăn với số tiền 181 tỉ đồng. Gần 7.000 công đoàn cơ sở đã kết nối thông tin, thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho công nhân, lao động mất việc làm…/.

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu