Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 24/01/2025 00:27 (GMT +7)
Thủ tướng: Chính phủ sẽ “đặt hàng” Học viện Chính trị QG Hồ Chí Minh
Thứ 3, 05/09/2017 | 17:15:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Sắp tới, Chính phủ và các Bộ ngành sẽ có cơ chế đặt hàng Học viện về những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.
Sau dự Lễ Khai giảng năm học 2017-2018 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Học viện. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành và thành phố Hà Nội.
Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Học viện vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có truyền thống vẻ vang 68 năm xây dựng và phát triển (1949-2017), có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, nhất là trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Học viện thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ.
Với phương châm đột phá, sáng tạo, chất lượng, hiệu quả, Học viện đã nỗ lực thực hiện đào tạo, bồi gưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của hệ thống chính trị. Học viện là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mac-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Mỗi năm, Học viện mở 70 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung và hơn 100 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung. Tính đến tháng 8/2017, số lớp cao cấp lý luận chính trị hệ thống tập trung do Học viện quản lý là 136 lớp với hơn 11.000 học viên.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Học viện đã và phối hợp tổ chức thành công 2 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XI; 4 lớp nghiên cứu, trao đổi với cán bộ cao cấp Đảng, Nhà nước Lào; 6 lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp với tổng số hơn 500 học viên.
Đối với đào tạo Đại học và sau Đại học, tính đến tháng 8 vừa qua, Học viện đã quản lý hơn 10.000 sinh viên đại học, cao học và nghiên cứu sinh. Học viện đã chủ trì thực hiện 43 nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước, 38 đề tài, đề án cấp bộ trọng điểm.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng biểu dương Học viện đã có những cải cách, đổi mới, gắn lý luận với thực tiễn, góp phần quan trọng vào xây dựng đường lối của Đảng, chính sách và thể chế pháp luật và quản lý điều hành của Nhà nước. Học viện đã hỗ trợ tốt cho các Trường Đảng tại các địa phương; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra các tồn tại của Học viện, đó là chưa phát huy hết vị thế, tiềm năng của Trường Đảng Trung ương. Việc thực hiện chức năng định hướng về mặt chuyên môn cho hệ thống các trường Đảng các địa phương cũng còn những vấn đề cần chú ý. Có những nội dung đào tạo chưa phù hợp với thực tiễn kinh tế xã hội của đất nước và sự thay đổi nhanh chóng của thế giới. Công tác đào tạo tiến sỹ, thực sỹ cần được chú trọng hơn về chất lượng.
Trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng Học viện cần có những công trình nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết quá trình đổi mới của đất nước, từ đó tham mưu cho Đảng để tiếp tục rút ra bài học trong lãnh đạo, chỉ đạo.
“Học viện cần có tầm nhìn mới trong phát triển, cần đặt mục tiêu vươn ra khu vực và thế giới, với sứ mệnh quan trọng là góp phần hình thành nền tảng lý luận của Đảng, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Và đào tạo ra những nhà chính trị tương lai của đất nước, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong thời kỳ toàn cầu hóa của cách mạng 4.0 và 5.0 trong thời gian đến” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Học viện cũng cần đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu thông qua đổi mới động lực của từng giảng viên và đơn vị; mở rộng hợp tác quốc tế để có kiến thức và kỹ năng của thế giới. Muốn vậy phải có hệ thống đánh giá chất lượng đào tạo nghiên cứu; cải thiện thu nhập và bổ nhiệm dựa trên kết quả làm việc và nghiên cứu.
Cùng với việc mở rộng hợp tác quốc tế, Học viện cần xây dựng đối tác chiến lược với các trường tốt trên thế giới để trao đổi học thuật, xây dựng và hoàn thiện chương trình học tập, đào tạo.
Với vị trí vừa là cơ quan của Đảng, vừa là một trong các cơ quan thuộc Chính phủ, Học viện cần chủ động tăng cường cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, trường Đại học lớn, viện nghiên cứu để hỗ trợ lẫn nhau, để những nghiên cứu đào tạo sát với thực tiễn, đồng thời hỗ trợ vận hành thông suốt, hiệu quả của hệ thống 72 trường chính trị.
Cùng với việc yêu cầu các bộ, các địa phương chủ động phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Học viện và các trường Đảng trong cả nước hoạt động hiệu quả, Thủ tướng cho biết: “Sắp tới, Chính phủ và các Bộ ngành sẽ có cơ chế đặt hàng Học viện về những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, trong tư vấn, phản biện chính sách. Muốn như vậy các đồng chí phải chủ động nghiên cứu đề xuất kế sách, góp phần phát triển đất nước. Một vấn đề đặt ra là nhà khoa học giỏi, giảng viên giỏi đồng thời phải là nhà tư vấn tốt”.
Với tinh thần cầu thị, trân trọng ý kiến, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của Học viện và các đồng chí trong Học viện, Thủ tướng cho biết sẽ luôn lắng nghe các ý kiến đề xuất của Học viện. Các sáng kiến, kế sách xây dựng đất nước đều có thể thông Học viện hoặc gửi trực tiếp đến Thủ tướng.
Để nâng cao chất lượng đào tạo trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo Học viện và các phân viện cần tăng cường quản lý Nhà nước về đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ, hệ thống cử nhân phải nâng lên. Học viên trường Đảng chất lượng phải cao hơn, lý lẽ, lập luận rõ hơn trong bài viết, trong diễn đạt, trong công văn, trong chỉ đạo, trên một nền tảng quan điểm lập trường cách mạng của người cán bộ được học ở trường Đảng.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đã trực tiếp giải quyết các kiến nghị của Học viện về đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất đào tạo, bồi dưỡng./.
Ý kiến ()