Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 24/01/2025 13:59 (GMT +7)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang
Thứ 5, 28/09/2017 | 08:45:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Tối 27/9, tại Thành phố Vị Thanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Hậu Giang.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh căn cứ vào quy hoạch toàn vùng đồng bằng Sông Cửu Long, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, nhất là quy hoạch đất lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và nước ngọt, tránh khai thác nước ngầm gây sụt lún, nhất là với tỉnh có địa hình thấp như Hậu Giang.
Hậu Giang là tỉnh ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, giáp Thành phố Cần Thơ, trung tâm kinh tế xã hội của vùng. Hậu Giang có một hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài khoảng 2.300km, là thế mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản. Tỉnh cũng có tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đã hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 5.200ha.
Ba quý vừa qua, trong bối cảnh thời tiết khí hậu bất lợi, sản xuất nông nghiệp của tỉnh chỉ tăng trưởng khoảng 1,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện hơn 12.880 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 761 triệu USD, tăng 38,8%. Tỉnh đã có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 19 xã, chiếm 35% tổng số xã. Hạ tầng giao thông của tỉnh chưa mang tính kết nối cao, còn 3 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm.
Góp ý với tỉnh, lãnh đạo các bộ ngành cho rằng, với địa hình thấp, tỉnh là địa phương nhạy cảm với ô nhiễm môi trường, dễ bị xâm mặn. Do đó trong quá trình phát triển, nhất là đô thị hóa, tỉnh cần chú trọng bảo vệ môi trường, bảo vệ nước ngầm, nước mặt.
Tỉnh cần tận dụng lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Với trung tâm nhiệt điện sông Hậu khi đi vào vận hành đầy đủ mỗi năm thải 400 nghìn tấn tro và xỉ, tỉnh cần có giải pháp sử dụng vật liệu không nung tận dụng nguồn tro xỉ này.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội đã có sự tăng trưởng tốt. Tỉnh đã phát huy vai trò trung tâm lúa gạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã xây dựng được một số vùng nông nghiệp đạt tiêu chuẩn cao như lúa chất lượng cao, mía và đã xây dựng được một số thương hiệu sản phẩm của vùng. Tỉnh cũng đã có tinh thần quyết liệt phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu lên không ít thách thức với Hậu Giang, đó là tỉnh nghèo, phải nhận trợ cấp ngân sách từ Trung ương. Tỉnh có địa hình thấp, đứng trước thách thức biến đổi khí hậu như mặn xâm nhập, sạt lở, sụt lún đất.
Trong khi tỷ trọng nông nghiệp chiếm gần 27,7% cơ cấu kinh tế, nhưng lao động nông nghiệp vẫn chiếm tới trên 75% số lao động của tỉnh, mức cao so với cả nước. Số lượng doanh nghiệp của tỉnh còn thấp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016 đứng thứ 37/63 tỉnh, thành phố. Hậu Giang nói riêng và nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều có các chỉ số xã hội thấp so với cả nước như giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao.
Nuôi trồng thủy sản quy mô còn nhỏ, tiềm ẩn nhiều rủi ro và thiếu bền vững. Trong khi đó, tỷ trọng công nghiệp của tỉnh mới chiếm trên 20%GDP. Kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập. Về việc 3 xã chưa có đường giao thông đến trung tâm xã, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất nguồn lực để xử lý tình trạng này.
Chỉ còn 3 tháng nữa kết thúc năm 2017, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh thúc đẩy để đạt được các mục tiêu, nhất là các mục tiêu quan trọng là tăng trưởng GDP, thu ngân sách và chỉ tiêu môi trường. Thủ tướng chỉ đạo ngay sau cuộc họp này, tỉnh phải họp các ngành để đẩy mạnh việc thực hiện các chỉ tiêu được giao.
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo: “Hậu Giang phấn đấu là tỉnh đổi mới sáng tạo, năng động để phát triển thịnh vượng, dựa vào tiềm năng lợi thế so sánh của địa phương. Trong đó cần tập trung phát triển nền nông nghiệp đa chức năng thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh.
Phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ phục vụ nông nghiệp. Đặc biệt đối với Hậu Giang cần nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, cần phổ biến trong các hộ dân, các đơn vị sản xuất nông nghiệp tiêu chuẩn về nông sản sạch, an toàn”.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh tìm một lợi thế so sánh và có hướng đi để phát triển. Theo đó Thủ tướng gợi ý việc xây dựng các khu cụm công nghiệp và phải dành đất sạch thu hút đầu tư; vận động nhân dân tích tụ hạn điền đủ lớn để làm nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh cần phải tiếp tục quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức sản xuất, tiếp tục xây dựng một số cây trồng vật nuôi chủ lực tại địa phương. Hậu Giang cũng cần chú trọng tốt hơn vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh./.
Ý kiến ()