Chủ Nhật, 19/01/2025 22:27 (GMT +7)

Thủ tướng: Ưu tiên xây dựng các thiết chế cho công nhân trong 5 năm tới

Thứ 5, 24/12/2020 | 16:17:00 [GMT +7] A  A
VOV.VN – Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chăm lo đời sống vật chất, tinh thần; quy hoạch đất đai để xây dựng nhà ở, trường học và các thiết chế cho công nhân.

Sáng 24/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc giữa Chính phủ và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, đánh giá kết quả thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa hai cơ quan giai đoạn 2016-2020. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tại Hà Nội và các đầu cầu ở một số địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại năm 2020 là năm khó khăn do thiên tai, dịch bệnh toàn cầu, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có sự đóng góp hết sức quan trọng của giai cấp công nhân, nước ta đã đạt những kết quả rất đặc biệt, giải quyết được khá tốt bài toán kinh tế xã hội, giải quyết việc làm và an sinh xã hội, xây dựng chỉnh đốn Đảng, sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị. Các cân đối lớn được đảm bảo, cũng đã góp phần đảm bảo đời sống nhân dân, trong đó có công nhân lao động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam

Đánh giá cao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp đã thực hiện tốt công tác phối hợp với Chính phủ trong chăm lo đời sống công nhân lao động, phát huy vai trò tích cực trong tham gia xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật, tham gia phản biện xã hội, Thủ tướng cho rằng, điều đó cũng góp phần phản ánh tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động với Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, 5 năm qua sự phối hợp rất chặt chẽ, tạo nền tảng, động lực quan trọng thúc đẩy sự tiến bộ trong nhiều vấn đề liên quan đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động và hoạt động của công đoàn. Rất nhiều đề nghị đã được cơ bản giải quyết, chứng tỏ lời nói đi đôi với việc làm của Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chứ không phải chỉ nói trên giấy. Tổ chức công đoàn đã phối hợp với các cấp chính quyền và người quản lý doanh nghiệp đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, nhất là dịp lễ, Tết, khó khăn dịch bệnh, việc làm.

“Điều đó mang lại một truyền thống tốt đẹp, quý báu, trách nhiệm của chúng ta với người lao động. Đó cũng là điều giúp chúng ta lấy được lòng tin của người dân. Đảng, Nhà nước, công đoàn phải quan tâm đến người lao động một cách thiết thực trong bối cảnh cụ thể. Càng khó khăn chúng ta càng đoàn kết vượt lên”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Cho biết mặc dù chỉ chiếm 14% dân số, 27% lực lượng lao động xã hội, nhưng đóng góp hàng năm của giai cấp công nhân cho đất nước chiếm hơn 65% tổng sản phẩm quốc dân và hơn 70% ngân sách Nhà nước, tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới lực lượng công nhân lao động cả nước lời thăm hỏi ân cần, lời cảm ơn sâu sắc về tinh thần vượt khó, phấn đấu lao động quên mình, vì ấm no hạnh phúc của mỗi gia đình, vì sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, vì sự thịnh vượng của nước nhà.

Thủ tướng nêu rõ, giai cấp công nhân là chủ thể của phương thức sản xuất công nghiệp, là giai cấp đại diện cho xu thế xã hội hóa của lực lượng sản xuất hiện đại và cũng là giai cấp quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội hiện đại, thông qua đó chuẩn bị những tiền đề vật chất cho tương lai. Trong 90 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta trước sau như một, kiên định đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, coi trọng giai cấp công nhân trong vai trò lực lượng tiên phong của cách mạng Việt Nam. Sau 35 năm đổi mới, giai cấp công nhân, người lao động Việt Nam không ngừng lớn mạnh về số lượng, chất lượng, ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thủ tướng đánh giá cao lực lượng công nhân Việt Nam đã chú ý nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp, bắt đầu có nhiều có tác phong kỷ luật lao động chuyên nghiệp. Nhờ trình độ, ý thức được nâng lên, cho nên công nhân Việt Nam ngày được ưa chuộng trên thị trường lao động thế giới.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, nhiều nhà máy xí nghiệp khó khăn, dẫn đến công nhân giảm việc làm, Thủ tướng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải cố gắng hơn nữa để công nhân lao động có nhiều việc làm hơn. Nhất là khi hiện nay, một bộ phận công nhân lao động có thu nhập thấp, lương không đủ sống, không đảm bảo về thể chất, con em tuổi mẫu giáo chưa đủ điều kiện để học hành, nhất là ở những khu công nghiệp tập trung. Đây là nỗi trăn trở của Chính phủ, của Thủ tướng và mọi cấp, mọi ngành.

Nêu nội dung trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đoạn nói về nhiệm vụ phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, tác phong nghề nghiệp, kỷ luật lao động, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trách nhiệm của giai cấp công đoàn rất lớn.

“Chúng ta cần nhận thức tình hình và đặc biệt văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII để xác định một thái độ trách nhiệm trong việc lãnh đạo công cuộc đổi mới trong giai cấp công nhân. Nhất là khi chúng ta tham gia các hiệp định mới như EVFTA, CTTTP, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP) thì cần quán triệt đến giai cấp công nhân Việt Nam, không để những kẻ xấu, những phần cử cơ hội lợi dụng. Đây là vấn đề cần đặt ra trong nhận thức và và hành động của hệ thống công đoàn Việt Nam” – Thủ tướng lưu ý với các Chủ tịch công đoàn.

Trong 5 năm tới, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển giai cấp công nhân, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Phát triển thị trường lao động hướng đến việc làm bền vững, thực hiện đồng bộ cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động, quy hoạch đất đai để xây dựng nhà ở, trường học và các thiết chế cho công nhân. Đây là nhiệm vụ mà các địa phương phải ưu tiên trong 5 năm tới.

“Vấn đề nhà ở cho người lao động ai lo? Trước hết là các địa phương có khu công nghiệp, các đồng chí phải lo, phải dành quỹ đất đai cho việc này. Chúng ta phải thực hiện thiết chế công đoàn tốt hơn trong vấn đề nhà ở, trường học, căng tin, nhà trẻ… cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn lớn. Nhà nước bố trí hỗ trợ để cùng các địa phương xây dựng nhà ở cho công nhân. Tôi cũng mong các doanh nghiệp, những người sử dụng lao động lo phát triển doanh nghiệp nhưng phải lo cho người công nhân. Hôm nay có những tập đoàn ở đây, chúng ta biểu dương những doanh nghiệp không thải hồi công nhân, lo đời sống công nhân thông qua việc làm” – Thủ tướng nói.

Sau buổi làm việc này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Văn phòng Chính phủ, trình Thủ tướng một dự thảo Chỉ thị về các vấn đề để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống và điều kiện làm việc cho công nhân lao động, góp phần phát triển giai cấp công nhân Việt Nam./.

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu