Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 24/01/2025 13:46 (GMT +7)
Thủ tướng yêu cầu tập trung ưu tiên các công trình cấp bách
Thứ 5, 28/09/2017 | 08:52:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Thủ tướng cho rằng, trước hết là xây dựng quy hoạch tích hợp phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu kết luận Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, tại Thành phố Cần Thơ, chiều nay (27/9), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phải xây dựng Đồng bằng Sông Cửu Long từ vũng trũng trong giáo dục và khoa học công nghệ thành thung lũng của sự sáng tạo về một nền nông nghiệp đa chức năng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, thích ứng với môi trường nhiễm mặn, khan hiếm nước ngọt và phù sa.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên 4 thách thức lớn đối với Đồng bằng Sông Cửu Long. Đó là biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ảnh hưởng nặng nề nhất trong 100 năm qua tại đây. Thách thức khác là việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, trong đó có việc chuyển nước sông Mê Công sang lưu vực sông khác cũng là nguy cơ lớn đối với vùng này.
Đồng bằng Sông Cửu Long cũng gặp thách thức lớn là các hoạt động kinh tế cường độ cao của con người gây ra nhiều tổn thương và hệ lụy, gây ra hiện tượng sụt lún lớn với tốc độ nhanh, mức độ ngày càng nghiêm trọng, môi trường bị suy thoái do ô nhiễm nước, không khí và tàn phá rừng ngập mặn nặng nề.
Thủ tướng lấy ví dụ như ở bán đảo Cà Mau có trên 10.000 giếng khoan nước ngầm phục vụ nuôi trồng thủy sản dẫn đến gây sụt lún nghiêm trọng. Không những vậy, từ năm 2010 đến nay, diễn biến sụt lở biển sông diễn ra ngày càng nhanh, phức tạp tác động lớn đến kinh tế xã hội. Đã có 562 điểm sạt lở sông, biển trên chiều dài gần 800 km; trong đó sạt lở đặc biệt nguy hiểm tại 40 điểm trên chiều dài 130km.
Ngoài ra, Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) còn gặp thách thức lớn về chất lượng nguồn nhân lực, bởi đây là vũng trũng về giáo dục đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa và hạ tầng cơ sở chưa tương xứng với tiềm năng. Trong khi nhân lực chất lượng cao có xu hướng dịch chuyển khỏi vùng.
Theo Thủ tướng, các thách thức này không còn là dự báo mà là hiện hữu và cần được nhận thức và xử lý một cách biện chứng. Đề cập đến những tầm nhìn mới của vùng được nêu ra tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: ĐBSCL không chỉ là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam mà phải là nền kinh tế nông nghiệp thông minh, bền vững, có giá trị gia tăng cao ở khu vực và rộng hơn là Châu Á trong tương lai. Phải xây dựng ĐBSCLtừ vũng trũng trong giáo dục và khoa học công nghệ thành thung lũng của sự sáng tạo về một nền nông nghiệp đa chức năng, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, thích ứng với môi trường nhiễm mặn, khan hiếm nước ngọt và phù sa; thay đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phù hợp với điều kiện mới, trong đó lấy phát triển bền vững và hiệu quả của sản xuất làm tiêu chí quan trọng.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng cũng đã nêu quan điểm phát triển đối với khu vực ĐBSCL phải theo hướng kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở chủ động thích ứng, chuyển hóa được những thách thức, biến thách thức thành cơ hội, bảo đảm được cuộc sống ổn định và khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị truyền thống văn hóa của vùng.
Với quan điểm như vậy, Thủ tướng nêu chủ trương và định hướng phát triển chiến lược đối với vùng, trong đó có việc xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích ghi, phải biến thách thức thành cơ hội. Thủ tướng nhấn mạnh việc chủ động sống chung với lũ, với mặn, với thiếu nước như Israel đã làm; phải coi nước lợ, nước mặn cũng là một nguồn tài nguyên.
Cùng với đó, mọi hoạt động đầu tư trong vùng phải được điều phối thống nhất, đảm bảo tính chất liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình hợp lý. Trong đó trước mắt tập trung ưu tiên các công trình cấp bách có tính chất “không hối tiếc”, các công trình có tính chất động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.
Thủ tướng cũng cho rằng cần chủ động hợp tác với các nước lưu vực sông Mê Công trên cơ sở cùng có lợi, để chuyển hóa những thách thức thành cơ hội, tăng cường hợp tác với các quốc gia sông Mê Công.
Đối với các giải pháp tổng thể, Thủ tướng cho rằng, trước hết là xây dựng quy hoạch tích hợp phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Quy hoạch mới cần chuyển từ sống chung với lũ sang chủ động sống chung với lũ, sống chung với nước mặn và ngập. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả cao nguồn nước ngọt, khai thác nước lợ và nước mặn ở vùng biển chiếm ưu thế; đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt của người dân. Quy hoạch phát triển đồng bằng sông Cửu Long cần bao gồm cả phần nước biển ven bờ chứ không chỉ trong đất liền như lâu nay.
Thủ tướng gợi ý mục tiêu cho vùng phấn đấu đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến, GDP bình quân đầu người đạt gần 10.000 USD, tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%, độ che phủ rừng đạt trên 5%.
Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều phối phát triển vùng để nâng cao hiệu quả thực chất, thu gọn đầu mối, lấy quản lý thông minh tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu là trọng tâm xuyên suốt.
Đối với các giải pháp cụ thể, Thủ tướng cho rằng, quy hoạch thủy lợi là then chốt trong phát triển cùng một số quy hoạch khác nên vùng cần đặc biệt quan tâm quy hoạch thủy lợi, cải cách hệ thống đê bao, bờ bao tại vùng đồng bằng sông Cửu Long như khuyến cao của các nhà khoa học. Theo cách tiếp cận hiện nay thì chiều dài đê bao đồng bằng sông Cửu Long sẽ lên trên 57.000 km. Cần giải quyết vấn đề “vạn lý đường đê” một cách biện chứng khoa học và khôn ngoan nhất.
Để có nguồn lực tài chính đầu tư cho vùng ĐBSCL, Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển vùng. Từ nay đến năm 2020, giải ngân có hiệu quả ít nhất là 1 tỷ USD để làm hệ thống cống điều tiết, cống sông Cái lớn, sông Cái bé của tỉnh Kiên Giang để ngăn mặn, cống Trà Sư, Tha La của tỉnh An Giang để điều tiết lũ, nâng cấp một số đoạn sạt lở nghiêm trọng, trực tiếp gây ảnh hưởng đến nhà cửa của nhân dân…
Thủ tướng yêu cầu ít nhất 2 năm một lần Chính phủ sẽ mở diễn đàn đồng bằng sông Cửu Long có quy mô lớn như hội nghị hôm nay để bàn và thảo luận, đề ra các giải pháp cụ thể để phát triển ĐBSCL. Ngay sau Hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu, tổng hợp ý kiến của các địa phương, quý vị đại biểu, xây dựng ngay dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu để đưa ra thảo luận tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9./.
Vũ Dũng/VOV
Ý kiến ()