Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 22:45 (GMT +7)
Về Bến Lức thăm Di tích lịch sử Rừng Tràm Bà Vụ
Thứ 7, 30/04/2022 | 09:58:32 [GMT +7] A A
Bến Lức, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nơi có nhiều địa danh gắn với những chiến công vang dội. Một trong số đó là địa danh Rừng Tràm Bà Vụ, nơi gắn liền với những trang sử vẻ vang của miền Nam trong hai thời kỳ kháng chiến.
Di tích lịch sử Rừng Tràm Bà Vụ, tọa lạc tại ấp 1 xã Tân Hòa có diện tích xây dựng khoảng 10.893 m2, tại đây, mọi người sẽ có cái nhìn tổng quan nhất về nơi ghi dấu những sự kiện trọng đại, những chiến tích oai hùng trong suốt hai thời kỳ kháng chiến của Đảng bộ và Nhân dân Long An, là nơi tái hiện lại vùng đất chiến khu xưa với những tên đất, tên làng một thời vang bóng.
Ngược dòng lịch sử, địa danh Rừng Tràm Bà Vụ thuộc khu vực có địa hình trũng trấp, ven bờ Vàm Cỏ Đông, trước đây thuộc Trung Quận tỉnh Chợ Lớn nay thuộc huyện Bến Lức tỉnh Long An. Những cơ quan đầu não và các đồng chí Nguyễn An Ninh, Châu Văn Liêm,Võ Công Tồn, Hồ Văn Long…đã từng bám trụ và dày công xây dựng cơ sở Đảng nơi đây để chỉ huy phong trào cách mạng đi đến thắng lợi hoàn toàn, tiêu biểu có trận Láng Le,Bàu Cò…. vang dội năm xưa. Đây là một điển hình của việc vận dụng thành công sách lược: “Toàn dân, toàn diện và trường kỳ kháng chiến” của Đảng ta, sự tồn tại ngoan cường của căn cứ Rừng Tràm Bà Vụ trong suốt 30 năm giữa vòng vây ác liệt của quân thù đã chứng minh cho tinh thần quật khởi, lòng yêu nước nồng nàn của quân và dân Long An. Với những ý nghĩa quan trọng đó Rừng Tràm Bà Vụ đã được Ủy Ban Nhân dân tỉnh Long An công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 27/01/1994.
Theo chủ trương đầu tư và quyết định phê duyệt dự án của tỉnh Long An, Khu di tích được xây dựng với quy mô gồm: Nhà bảo vệ, nhà đón khách, nhà quản lý; Nhà trưng bày hiện vật; Căn tin, quầy lưu niệm; Nhà tưởng niệm; Nhà vệ sinh; Cổng, hàng rào; Cây xanh, sân đường nội bộ, sân lễ, cột cờ; Hệ thống cấp điện, chiếu sáng tổng thể; Hệ thống cấp, thoát nước tổng thể; Phòng cháy chữa cháy, chống sét; Khu tái hiện rừng tràm và vườn thơm, thiết bị, mô hình trưng bày với tổng mức đầu tư trên 35 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Long An làm chủ đầu tư. Hiện Khu di tích đang dần hoàn thiện các hạng mục để chuẩn bị bàn giao cho huyện Bến Lức quản lý trong năm 2022.
Ông Lê Hoàng Long, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Tân Hòa chai sẻ: “Xã Tân Hòa chúng tôi vinh dự có Khu Di tích Rừng Tràm Bà Vụ sắp hoàn thành và đưa vào sử dụng, đây là miền tự hào của người dân xã nhà. Với vai trò là cựu chiến binh, bản thân tôi sẽ tuyên truyền vận động hội viên, gia đình và nhân dân trong xã tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, cùng nhau chăm sóc, giữ gìn, bảo quản Khu di tích này”.
Ông Phan Văn Na, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện Bến Lức cho biết: “Sắp tới đây, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện Bến Lức sẽ tiếp nhận và quản Khu Di tích Rừng Tràm Bà Vụ tại xã Tân Hòa. Hiện Trung tâm đã bố trí nhân sự tiếp quản và phân công Thuyết minh viên giới thiệu, hướng dẫn các Đoàn đến tham quan và tìm hiểu”.
Trước những chuyển biến lớn lao của dân tộc, việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển ở tương lai là một việc làm cần thiết. Di tích lịch sử Rừng Tràm Bà Vụ với những giá trị to lớn là một đối tượng trực quan sinh động để thực hiện công tác ấy. Lịch sử đã sang trang nhưng những thành quả to lớn mà cha ông đã làm được thể hiện qua di tích sẽ được thế hệ sau nhớ mãi và kế thừa một cách xứng đáng./.
Việt Hằng – Lê Hạnh
Ý kiến ()