Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 24/01/2025 13:29 (GMT +7)
Việt Nam nên nghiên cứu Quỹ phát triển ĐBSCL
Thứ 5, 28/09/2017 | 08:55:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Việt Nam nên nghiên cứu Quỹ phát triển ĐBSCL với việc huy động sự đóng góp của nhiều bên, gồm cả tư nhân và các đối tác phát triển.
Tiếp tục chương trình Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, tại Thành phố Cần Thơ, chiều 27/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể.
Theo gợi ý thảo luận của Thủ tướng, các đại biểu đều thống nhất cao việc phải có một quy hoạch phát triển tổng thể cho toàn vùng ĐBSCL thay vì manh mún như hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ra con số khiến nhiều người ngỡ ngàng, đó là toàn vùng ĐBSCL có tới 2.500 quy hoạch, riêng quy hoạch cấp vùng có tới 22 bản và mỗi quy hoạch lại có những góc tiếp cận khác nhau, thiếu tính liên kết và tầm nhìn, cản trở sự phát triển vùng và gây lãng phí lớn về nguồn lực.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL và thích ứng với biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải xử lý các vấn đề một cách tổng thể dựa trên một bản quy hoạch vùng theo hướng tích hợp với những quan điểm chủ đạo.
Thứ nhất là tôn trọng sự vận hành tự nhiên của hệ sinh thái và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu thay cho quan điểm ứng phó, chống chọi, can thiệp sâu vào quy luật tự nhiên, làm hủy hoại môi trường và hệ sinh thái. Thứ hai, biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để chuyển đổi mô hình sản xuất, tổ chức sắp xếp lại không gian phát triển vùng theo hướng hiệu quả, bền vững.
Nhấn mạnh việc tác động của biến đổi khí hậu là không thể cưỡng lại được, các chuyên gia cho rằng, cần coi những thách thức chính là cơ hội cho phát triển của vùng. Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, phải lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm, làm cơ sở xuyên suốt cho việc hoạch định chiến lược chính sách, quy hoạch phát triển vùng.
Tài nguyên nước đã làm nên đồng bằng và tài nguyên nước cũng cần đồng bằng có sự thay đổi trong việc ứng xử với tài nguyên nước. Tài nguyên nước phải được quản lý thống nhất, tổng hợp trên toàn lưu vực, coi nước lợ, nước mặn là tài nguyên, bên cạnh tài nguyên nước ngọt. Chúng ta đã có quan điểm đúng đắn là sống chung với lũ, bây giờ phải chủ động sống chung với mặn.
Cùng chung quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần thiết phải tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ đề nghị Thủ tướng giao Bộ và các cơ quan liên quan trong 5 năm 2018 -2023 có chương trình giải quyết căn cốt giống tốt cho ba nhóm sản phẩm chính là thủy sản, cây ăn quả, lúa gạo bằng các giống chủ lực,đáp ứng cho sản xuất đủ sức cạnh tranh.
Nếu như coi các vấn đề như quy hoạch tổng thể, biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp…là điều kiện cần, thì điều kiện đủ chính là nguồn lực đầu tư để thực hiện quy hoạch đó. Do đó, các đại biểu đề nghị tăng ngân sách cho vùng lên 20% GDP để đầu tư cho vùng. Nhưng nguồn lực quan trọng hơn chính là thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư quốc tế. Muốn vậy, cần có cơ chế đột phá, thu hút đầu tư tư nhân phát triển hạ tầng, phát triển khu công nghiệp; đầu tư vào các lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu…
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, Việt Nam nên nghiên cứu Quỹ phát triển ĐBSCL với việc huy động sự đóng góp của nhiều bên, gồm cả tư nhân và các đối tác phát triển. Quỹ có thể hỗ trợ nguồn lực tập trung cho 4 lĩnh vực là đầu tư các dự án hạ tầng liên tỉnh; hỗ trợ tư nhân đầu tư vào lĩnh vực chế biến các sản phẩm nông, lâm thủy sản, gồm cả cơ chế hợp tác công – tư; nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để chuyển đổi mô hình về sinh kế; xóa đói giảm nghèo hướng tới cộng đồng dễ bị tổn thương ở vùng ĐBSCL.
Đại diện các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Chương trình phát triển Liên hợp quốc, Đại sứ các nước như Đức, Australia, Hà Lan…phát biểu tại hội nghị đều cho biết sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nguồn lực cho Việt Nam trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, chương trình cụ thể.
Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, bà Nienke Trooster cho biết, Hà Lan cùng các đối tác phát triển sẽ hợp tác mạnh mẽ với Chính phủ, các tỉnh và Ngân hàng Thế giới xây dựng các khuyến nghị tốt nhất. Những bước đi thú vị mà Chính phủ và các tỉnh đang triển khai như xây dựng tổng thể mới cho ĐBSCL là cơ sở cho sự hợp tác. Hà Lan vẫn là đối tác chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực này.
“Chúng ta có thể hiểu rõ hơn mối đe dọa kép của biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực từ sự can thiệp của con người. Các dự án nghiên cứu của Hà Lan cũng cho thấy rõ việc sử dụng nước ngầm là tác động khiến sụt lút gấp 10 lần so với nước biển dâng do biến đổi khí hậu” – Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam cho biết thêm.
Lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL cũng mong muốn có quy hoạch tổng thể toàn vùng, trên cơ sở đó tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu kinh tế, đảm bảo sinh kế cho người dân. Cùng với đó có cơ chế đặc biệt để thu hút vốn đầu tư tư nhân vào các dự án ứng phó biến đổi khí hậu như về đất đai, thuế; triển khai đồng bộ các công trình trong vùng; hình thành chương trình giống, chế biến xuất khẩu toàn vùng; phát triển đồng bộ hóa hệ thống giao thông; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho vùng…/.
Vũ Dũng/VOV
Ý kiến ()