Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 23/01/2025 13:52 (GMT +7)
Việt Nam với Indonesia và Myanmar: Chân thành hợp tác
Thứ 3, 29/08/2017 | 12:02:00 [GMT +7] A A
Tình cảm chân thành, gần gũi và thiện chí hợp tác là những cảm nhận rõ nét nhất trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Indonesia và Myanmar giữa những ngày Thu tháng Tám này.
Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, góp phần củng cố nền tảng chính trị vững chắc, nâng tầm quan hệ hợp tác song phương và thắt chặt tình đoàn kết trong mái nhà chung ASEAN.
Sống lại những kỷ niệm về Bác Hồ
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Trong suốt hành trình chuyến thăm, những câu chuyện cảm động về Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa được kể lại trong các cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các nhà lãnh đạo cấp cao của Indonesia và Myanmar. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm, nhân dân Indonesia đã gọi Người bằng cái tên hết sức gần gũi Poman Ho. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trìu mến gọi Tổng thống Indonesia Sukarno là Bung Karno.
Câu nói của Tổng thống Sukarno: “Chúng ta là những người bạn, những người bạn chiến đấu” và những vần thơ giản dị, chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tặng Tổng thống Sukarno khi chia tay: “Nước xa mà lòng không xa/Thật là bầu bạn, thật là anh em”, sẽ mãi đi vào lịch sử quan hệ hai nước, làm xúc động bao tấm lòng người dân Việt Nam và Indonesia.
Và trong chuyến thăm Indonesia lần này, hình ảnh Tổng thống Joko Widodo lái xe điện đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rời phòng hội đàm tới địa điểm chiêu đãi chào mừng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, như một sự tiếp nối của tình bạn gần gũi giữa Việt Nam và Indonesia.
Cuộc gặp riêng giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Đảng Dân chủ Đấu tranh Indonesia Megawati Sukarno diễn ra thật cảm động, thân tình tại nhà riêng của bà, ngay bên cạnh Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia. Là con gái của Tổng thống Sukarno, sau này trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, hay Đảng cầm quyền Indonesia, bà luôn dành tình cảm tốt đẹp cho đất nước, nhân dân Việt Nam.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng bà Megawati vẫn rất xúc động mỗi khi nhớ về kỷ niệm trong chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Indonesia (năm 1959). Khi đó bà Megawati mới 13 tuổi, được theo cha đi gặp Bác Hồ. Thấy Bác Hồ đi đôi dép cao su giản dị, bà liền hỏi cha tại sao Bác Hồ không đi giày. Tổng thống Sukarno nhắc lại câu hỏi của con gái và Bác Hồ đã nói: “Khi nào đất nước thống nhất thì tôi sẽ đi giày…”
Thật trùng hợp, khi đến Myanmar – đất nước chùa tháp, trong lịch trình dày đặc của chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc gặp Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Chủ tịch Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) – Đảng cầm quyền tại Myanmar hiện nay, và chính là con gái của Tướng Oong San – người đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam – Myanmar ngay từ những ngày đầu hai nước mới giành được độc lập.
Trong cuộc gặp riêng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Oong San Su Chi đã khẳng định “Myanmar và Việt Nam thực sự là những người bạn tin cậy của nhau”; đồng thời nhấn mạnh: “Myanmar cần noi gương của Việt Nam về ý chí vươn lên và hướng về tương lai”.
“Trong mình có dòng máu Việt”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, đại diện cộng đồng, lưu học sinh và doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
“Chúng tôi là người Việt, trong mình có dòng máu Việt”, bác Nguyễn Văn Trung, thế hệ người Việt thứ 2 ở Myanmar, đã xúc động phát biểu trong cuộc gặp thân mật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam ở Yangon. Nói tiếng Việt khá rành rẽ, bác Trung bày tỏ vui mừng được đón Tổng Bí thư sang thăm.
Sinh ra và lớn lên ở Myanmar, năm nay bác đã 73 tuổi, bác Trung là một trong số ít người Việt tại đây còn nói được tiếng Việt. Bác cho biết, cộng đồng người Việt ở Myanmar hiện có 8 gia đình thế hệ thứ hai và 20 gia đình thế hệ thứ ba. Bà con đùm bọc lẫn nhau, hòa đồng với cuộc sống sở tại và hướng về quê hương đất nước. Nhân dịp Quốc khánh 2/9, Tết Nguyên đán, bà con thường tổ chức giao lưu, gặp gỡ và liên hệ chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam ở Yangon, giúp doanh nghiệp Việt Nam kết nối với doanh nghiệp Myanmar, xuất khẩu các mặt hàng nông, hải sản… góp phần thúc đẩy quan hệ giao lưu, hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Mỗi nước đến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều dành thời gian gặp gỡ, nói chuyện với bà con Việt kiều và cộng đồng doanh nghiệp đang sinh sống, học tập, làm ăn kinh doanh tại địa bàn.
Lắng nghe bà con bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, trân trọng những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm về tình hình và tương lai của đất nước, Tổng Bí thư ân cần nhắn nhủ bà con luôn nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp, hòa đồng với cuộc sống nơi sở tại, đồng thời bằng những hành động thiết thực, góp phần giữ gìn và nâng cao hình ảnh con người, văn hóa Việt Nam, khẳng định uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trong lòng nhân dân các nước.
“Chúng tôi đã tìm được một đối tác tốt từ Việt Nam”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó Tổng thống Myanmar U Myint Swe dự Lễ khánh thành Trụ sở Mytel. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Đó là khẳng định của ông U Khin Maung Soe, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Telecom International Myanmar (MyTel) tại buổi lễ khai trương Trụ sở MyTel ở Yangon, trung tâm kinh tế của Myanmar. MyTel là liên doanh giữa Tổng Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế (Viettel Global) và hai đối tác địa phương là Atar High Public Company và Myanmar National Telecom Holding Public (MNTH).
Ngày 8/9/2016, hợp đồng liên doanh được ký kết đã chính thức đặt nền móng cho các hoạt động của Dự án đầu tư MyTel. Tháng 8/2017, MyTel cung cấp dịch vụ viễn thông đầu tiên – dịch vụ cho thuê kênh. Và dự kiến, tháng 1/2018, một năm sau ngày nhận giấy phép viễn thông, MyTel sẽ khai trương dịch vụ di động. Tại thời điểm khai trương, MyTel sẽ là nhà mạng có hạ tầng lớn nhất Myanmar với gần 7.200 trạm phủ song tới 90% dân số, trở thành công ty có mạng cáp quang lớn nhất Myanmar.
Cảm ơn Viettel Global đã hỗ trợ nhân lực, công nghệ cho Liên doanh MyTel, ông U Khin Maung Soe tin tưởng rằng, với kinh nghiệm đầu tư trên thị trường quốc tế, Viettel Global sẽ thành công ở Myanmar. Về phần mình, ông U Khin Maung Soe cam kết sẽ nỗ lực hết mình để MyTel hoạt động hiệu quả, giúp người dân Myanmar được hưởng dịch vụ viễn thông tốt hơn, với giá cả rẻ hơn và đời sống nhân dân Myanmar sẽ ngày càng được nâng cao.
Như một “điềm lành” cho quan hệ hai nước, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Myanmar lần này “đã mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước”, Tổng thống Myanmar Htin Kyaw nói. Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung về quan hệ đối tác hợp tác toàn diện, ký kết nhiều văn bản, thỏa thuận, tạo nền tảng pháp lý cho việc tăng cường chiều sâu hợp tác trên các lĩnh vực, ở các cấp, các ngành, giữa các doanh nghiệp và nhân dân hai nước.
Nhằm hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia, trong chuyến thăm chính thức lần đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Indonesia, các nhà lãnh đạo hai nước đã bàn thảo những vấn đề hết sức cụ thể và thực chất, gắn với tiềm năng, nhu cầu của mỗi nước, đó là hợp tác trong lĩnh vực hàng hải và thủy sản; thương mại và đầu tư; và các vấn đề khu vực.
Hai nước thống nhất đẩy nhanh quá trình đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế; tiếp tục đối với việc đạt được vùng đánh bắt và hạn chế việc đánh bắt trái phép. Hai bên đã đề ra các biện pháp và sáng kiến mới để đạt được mục tiêu thương mại 10 tỷ USD trong thời gian tới; phối hợp trong việc quản lý, giữ vững sự ổn định về giá và nâng cao chất lượng của hai sản phẩm xuất khẩu chủ chốt là cà phê và hạt tiêu…
Cùng với việc ký kết 6 văn bản hợp tác, trong dịp này, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Hãng hàng không quốc gia Indonesia (Garuda Indonesia) đã ký kết Biên bản ghi nhớ về mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược. Theo ông Pahala Mansury, Tổng Giám đốc Garuda Indonesia: “Việt Nam là thị trường trọng điểm đối với Indonesia. Quan hệ hợp tác giữa hai hãng có thể mang đến nhiều lựa chọn, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của hành khách giữa hai nước, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch, giao thương giữa hai quốc gia.”
Đoàn kết là sức mạnh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS). Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Coi trọng quan hệ với các nước láng giềng khu vực, coi trọng ASEAN, đó là chủ trương nhất quán của Việt Nam. Chính vì vậy, khi đến Jakarta, Thủ đô của Indonesia – một trong những nước sáng lập và luôn đi đầu trong nỗ lực hợp tác của ASEAN, đây cũng là nơi đặt trụ sở của Ban Thư ký ASEAN và Phái đoàn thường trực của các nước thành viên bên cạnh ASEAN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia (CSIS) và có bài phát biểu quan trọng tại đây.
Với chủ đề “ASEAN: 50 năm hình thành, phát triển và chặng đường phía trước”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn truyền đi một thông điệp mạnh mẽ, việc xây dựng Cộng đồng ASEAN trở thành một thể thống nhất, gắn bó, không chỉ mang lại những lợi ích quan trọng cho mỗi nước thành viên, mà cả các nước ngoài khu vực. Thực tế đã chứng minh vai trò, vị trí quan trọng của ASEAN, một trong những tổ chức khu vực thành công trên thế giới, một khu vực kinh tế năng động, với sức mạnh của một nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới.
Người Việt Nam có câu “Đoàn kết là sức mạnh” và người Indonesia có câu “Bhinneka Tunggal Ika”, tuy hai mà là một. Trước những thách thức mà ASEAN đang phải đối mặt, hơn bao giờ hết, ASEAN cần giữ vững “độc lập, tự cường”, “đoàn kết, thống nhất”, giữ được “vai trò trung tâm” trong các cơ chế hợp tác khu vực, kiên trì “phương thức ASEAN” – đó là tham vấn và đồng thuận.
Để hiện thực hóa “Tầm nhìn ASEAN 2025”, các nước thành viên cần chung tay xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN thực sự gắn kết, vững mạnh và phát triển thịnh vượng; duy trì và củng cố hòa bình, ổn định của khu vực; tăng cường quan hệ với các đối tác bên ngoài, đồng thời củng cố, phát huy hiệu quả vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc đang định hình ở khu vực.
Về phần mình, Việt Nam luôn coi ASEAN là ngôi nhà chung, đặt ưu tiên cao quan hệ với các nước thành viên. Sau 22 năm gia nhập ASEAN, mặc dù là thành viên đến sau, trình độ phát triển còn có hạn, nhưng Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức mình “chung tay đoàn kết cùng các nước thành viên ASEAN khác tiếp tục những nỗ lực không mệt mỏi, phấn đấu vì một ASEAN ngày càng lớn mạnh, “lấy người dân làm trung tâm”, góp phần xứng đáng vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.
Ý kiến ()