Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 17/11/2024 15:34 (GMT +7)
Với biến chủng Omicron, nguyên tắc phòng bệnh chính vẫn là 5K và vaccine
Thứ 4, 01/12/2021 | 11:51:00 [GMT +7] A A
Theo các chuyên gia, hiện chưa có những thông tin đầy đủ về mức độ nguy hiểm của biến chủng Omicron; nhưng dù chủng nào, thì nguyên tắc phòng bệnh chính vẫn là 5K và vaccine.
Cần có phương án dự phòng
Hiện biến chủng Omicron (B.1.1.529) được cho là có tốc độ lây lan nhanh hơn, đã xuất hiện tại Nam Phi và một số nước trên thế giới, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng tới thành quả chống dịch COVID-19. Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ biến chủng này có thể xâm nhập.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin: “Hiện chúng ta vẫn chưa biết hết được về biến chủng mới này. Đến nay, qua việc phát hiện ở Nam Phi cho thấy tốc độ lây lan của chủng này nhanh hơn; chưa có nhiều thông tin về mức độ nguy hiểm của chủng Omicron. Việc các vaccine phòng COVID-19 đang có liệu có đáp ứng phòng bệnh với chủng mới này hay không, cũng chưa rõ ràng”.
Trước tình hình biến chủng mới có khả năng xâm nhập vào Việt Nam, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Việt Nam cần có kế hoạch để ứng phó với biến chủng mới; tuy nhiên chúng ta không nên hoảng loạn, vì dù được cho là lây lan nhanh, nhưng chưa thấy có thông tin về việc biến thể này có làm tăng tỷ lệ tử vong, tăng mức độ nặng lên hay không?
Về mức độ nguy hiểm của biến chủng Omicron, Ths.BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho rằng: “Biến chủng Omicron có sự thay đổi nhiều về đoạn gen trên protein S, do đó WHO xếp vào dạng biến chủng đáng lo ngại. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu và hiện chưa có kết luận về mức độ nặng do biến chủng mới Omicron gây ra với con người. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu, theo dõi về tốc độ lây lan, mức độ nhiễm hay tỷ lệ tử vong đối với biến chủng này. Việc các vaccine đang có, có ngăn chặn được biến chủng này hay không cũng cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá”.
Theo đó, chúng ta cần làm xét nghiệm sinh học phân tử để giải trình tự gen, lấy mẫu làm các xét nghiệm để sớm phát hiện nếu có sự xâm nhập của biến chủng này.
Theo các chuyên gia, trước bối cảnh có sự xuất hiện của biến chủng Omicron, Việt Nam phải cảnh giác, thắt chặt biên giới, kiểm soát chặt những người đi từ Nam Phi về. Hiện tất cả các nước châu Âu đã báo động, thì hệ thống cảnh báo của chúng ta cũng nên có báo động, có phương án dự phòng trước.
Nguyên tắc phòng bệnh vẫn là 5K
Về việc các biện pháp phòng lây nhiễm đang áp dụng liệu có hiệu quả với biến chủng Omicron, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, các biện pháp phòng chống lây nhiễm hiện nay có thể không thay đổi.
“Dù với biến chủng nào, cách phòng lây nhiễm quan trọng nhất vẫn là vaccine và thực hiện tốt 5K; trong đó 5K là quan trọng nhất, thậm chí quan trọng hơn cả vaccine. Đặc biệt người dân cần thực hiện tốt đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn liên tục là then chốt. Thực tế cho thấy, nơi nào thực hiện tốt 5K thì không thể lây nhiễm mạnh được, còn nếu chủ quan thì kể cả có vaccine cũng vẫn có thể bùng phát dịch”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 30/11, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến chủng Omicron. Ngay sau khi có thông tin về biến chủng Omicron, để chủ động ứng phó và kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào Việt Nam từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến hoặc đi về từ các quốc gia trên.
Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch COVID-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch COVID-19; yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gene các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.
Ý kiến ()